Cúm a uống thuốc gì? Dùng sao cho đúng

Các triệu chứng cúm A nhẹ có thể tự khỏi khi được nghỉ ngơi nhiều và uống đủ nước. Tuy nhiên, đối với nhiễm cúm nặng hơn, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng virus để chống lại nhiễm trùng. Vậy cúm a uống thuốc gì? Tham khảo ngay bài viêt dưới đây của Quầy thuốc Minh Long nhé 

Cúm A  uống thuốc gì? 

Các thuốc kháng virus phổ biến bao gồm: Zanamivir (Relenza), oseltamivir (Tamiflu)…
Những loại thuốc này, được gọi là chất ức chế neuraminidase, làm giảm khả năng lây lan của virus cúm từ tế bào này sang tế bào khác, làm chậm quá trình lây nhiễm.

Oseltamivir:

Chất này có tác dụng ức chế enzym neuraminidase của virus là enzym có vai trò thiết yếu giải phóng các hạt virus cúm type A mới được hình thành trong tế bào bị nhiễm và làm virus lan truyền khắp cơ thể.
Thuốc dùng điều trị cúm typ A ở trẻ em từ 1 tuổi trở lên và cho người lớn, đã có triệu chứng điển hình của cúm không quá 48 giờ, trong thời gian có cúm virus lưu hành. Chỉ định được khuyến cáo đặc biệt đối với người có nguy cơ cao (người trên 65 tuổi hoặc có 1 trong những bệnh sau: Bệnh hô hấp mạn kể cả bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh tim – mạch nặng trừ bệnh tăng huyết áp, bệnh thận mạn, suy giảm miễn dịch, đái tháo đường).
Dự phòng cúm (trong vòng 48 giờ sau phơi nhiễm và trong thời gian có dịch cúm) cho người lớn và trẻ em từ 13 tuổi trở lên, đặc biệt đối với người có nhiều nguy cơ (chưa được bảo vệ hữu hiệu bằng vaccin cúm, nhân viên y tế chăm sóc trực tiếp người bệnh và có thể bắt đầu dùng oseltamivir trong vòng 48 giờ sau phơi nhiễm).
Uống thuốc viên với nhiều nước. Phải uống đủ liều và đủ thời gian quy định ngay cả khi các triệu chứng đã thuyên giảm. Có thể uống thuốc lúc no hoặc lúc đói nhưng uống lúc no sẽ làm bớt khó chịu ở dạ dày. Trẻ em dưới 12 tuổi nên dùng thuốc dạng dung dịch và phải dùng thìa hoặc dụng cụ đong bán kèm thuốc để đong thuốc nước cho đúng liều lượng.
Một số tác dụng không mong muốn khi dùng thuốc như: Buồn nôn, nôn, đau bụng, khó tiêu, tiêu chảy; nhức đầu, mệt mỏi, mất ngủ, chóng mặt; viêm kết mạc…

Zanamivir

Có ở dạng hít định liều, sử dụng trong các trường hợp không có oseltamivir, chậm đáp ứng hoặc kháng với oseltamivir.
Điều trị bằng zanamivir nên bắt đầu càng sớm càng tốt khi xuất hiện các triệu chứng cúm, như sốt, ớn lạnh, đau cơ, đau họng và chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi. Thuốc giúp làm giảm bớt các triệu chứng của cúm và rút ngắn thời gian hồi phục khoảng 1-2 ngày.
Zanamivir cũng được dùng để ngăn ngừa bệnh cúm nếu bạn đã tiếp xúc với người mắc bệnh (như một thành viên trong gia đình bị ốm) hoặc nếu có dịch cúm bùng phát cộng đồng.
Một số bất lợi khi dùng thuốc bao gồm: Đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, sốt, ớn lạnh, đau khớp…

Một số lưu ý khi điều trị cúm A 

– Trong trường hợp nặng bác sĩ có thể kết hợp oseltamivir và zanamivir.
– Trường hợp đáp ứng chậm với thuốc kháng virus: Thời gian điều trị có thể kéo dài đến khi xét nghiệm hết virus.
– Cần theo dõi chức năng gan, thận để điều chỉnh liều lượng cho phù hợp.
Mặc dù hiệu quả, những loại thuốc này có thể gây ra các tác dụng phụ. Nếu người dùng gặp bất kỳ triệu chứng nào trong số tác dụng phụ của thuốc hoặc nếu tình trạng cơ thể trở nên tồi tệ hơn, hãy thông báo cho bác sĩ biết để được xử trí thích hợp.
Lưu ý: Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.