Viêm mũi dị ứng là bệnh lý gây ra nhiều khó chịu cho người bệnh, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe cũng như cuộc sống hàng ngày. Viêm mũi dị ứng là bệnh chữa được bằng thuốc. Bài viết sau đây Quầy Thuốc Minh Long sẽ giới thiệu đến bạn đọc Top 10 loại thuốc điều trị viêm mũi dị ứng mãn tính.
Viêm mũi dị ứng uống thuốc gì? Thuốc Tây y trị viêm mũi dị ứng
Việc sử dụng thuốc được gọi là phương pháp không đặc hiệu trong điều trị viêm mũi dị ứng. Theo quan điểm của y học hiện đại, nguyên nhân dẫn đến bệnh là do sự giải phóng kháng thể histamin quá mức cho phép. Cho nên việc điều trị sẽ tập trung vào việc kháng lại các histamin giải phóng tự do.
Thuốc chống dị ứng bao gồm các loại thuốc kháng histamin H1. Cơ chế hoạt động dựa trên sự ức chế cạnh tranh với histamin tại thụ thể H1. Thông qua đó làm giảm hoặc triệt tiêu tác dụng sinh học của histamin. Hiện nay nhóm thuốc chống dị ứng có hai thế hệ. Thế hệ 1 bao gồm Clorpheniramin, Promethazin, Diphenylhydramin, Alimemazin… có tác dụng an thần và chống nôn. Thế hệ 2 bao gồm Loratadin, Fexofenadin, Cetirizin, Levocetirizin… hầu như không có tác dụng an thần nên không gây buồn ngủ.
Các loại thuốc điều trị viêm mũi dị ứng mãn tính
Clorpheniramin
Clorpheniramin là thuốc kháng H1 thế hệ cũ, còn có tên gọi khác là Chlorpheniramine. Cơ chế tác động của nó là thông qua sự cạnh tranh thụ thể H1 để vô hiệu hóa các tác dụng sinh học của histamin. Khả năng hấp thụ của thuốc tương đối tốt, có thể xuất hiện trong huyết tương sau 30-60 phút.
- Chỉ định: Thuốc thường được dùng để trị cho những trường hợp viêm mũi dị ứng theo mùa và quanh năm. Thuốc cũng điều trị tốt với những trường hợp liên quan đến dị ứng của bệnh mề đay, viêm mũi vận mạch, viêm kết mạc, viêm da tiếp xúc…
- Cách dùng: Người bệnh uống thuốc trước khi đi ngủ, mỗi lần dùng thuốc cách nhau 4-6 giờ. Số lần uống tuân theo chỉ định của bác sĩ. Liều lượng của từng đối tượng như sau: người lớn 4mg/lần, trẻ từ 6-12 tuổi uống 2mg/lần, trẻ từ 2-6 tuổi uống 1mg/lần.
- Tác dụng phụ: Mặc dù có ít tác dụng an thần nhưng thuốc có thể gây buồn ngủ, choáng váng đầu óc.
- Chống chỉ định: Trẻ sơ sinh hoặc trẻ dưới 2 tuổi, người bệnh có các cơn hen cấp, có triệu chứng phì đại tuyến tiền liệt, tắc cổ bàng quang, loét dạ dày, phụ nữ có thai và cho con bú. Không dùng thuốc khi đang lái xe hoặc vận hành máy móc.
- Biệt dược: Clopheniramin maleat 4mg, Siro Touxirup, Axcel Dexchlorpheniramine Syrup.
Loratadin
Loratadin là thuốc kháng histamin thế hệ mới có tỷ lệ đi qua hàng rào máu não rất ít nên thường không có tác dụng an thần và chống nôn. Thuốc có tác dụng đối kháng chọn lọc thụ thể H1 ngoại biên nên có khả năng làm giảm các triệu chứng của viêm mũi dị ứng. Đặc biệt hiệu quả với các triệu chứng hắt hơi, chảy nước mũi, ngứa mắt, đỏ mắt. Thuốc thường được bào chế dưới dạng viên nén hoặc siro
- Chỉ định: Dùng để điều trị triệu chứng viêm mũi dị ứng.
- Cách dùng: Người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên dùng 1 lần/ngày, uống 10mg viên nén hoặc 10ml siro. Trẻ em từ 2-12 tuổi trên 30kg thì dùng 10ml hoặc 10mg/lần/ngày. Trẻ em từ 2-12 tuổi dưới 30kg thì dùng 5ml hoặc 5mg/lần/ngày.
- Tác dụng phụ: Đau đầu, khô miệng là những tác dụng phụ thường gặp nhất. Tình trạng trầm cảm, rối loạn nhịp tim, buồn nôn, rối loạn kinh nguyệt… ít gặp hơn.
- Chống chỉ định: Trẻ em dưới 2 tuổi, người bị suy gan, suy thận nặng, người bị dị ứng với các thành phần của thuốc.
- Biệt dược: Clarityne 10mg, CBICenlertin, Allersil…
Fexofenadine
Fexofenadine cũng là thuốc kháng histamin thế hệ mới và không có tác dụng an thần và ít gây buồn ngủ. Là một chất chuyển hóa của Terfenadin, Fexofenadine có tác dụng đối kháng chọn lọc thụ thể H1 ngoại biên. Từ đó ức chế sự tiết histamin và làm giảm các triệu chứng của viêm mũi dị ứng.
- Chỉ định: Người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên bị viêm mũi dị ứng, có hiệu quả tốt nhất với các triệu chứng hắt hơi, chảy nước mũi, mắt ngứa đỏ.
- Cách dùng: Người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên mỗi ngày dùng 2 lần, mỗi lần 60mg. Người bị suy thận chỉ uống 1 liều 60mg trong vòng 24 giờ.
- Tác dụng phụ: Tăng khả năng nhiễm virus cảm cúm, buồn nôn, khó tiêu, mệt mỏi…
- Chống chỉ định: Người bị mẫn cảm với thành phần của thuốc
- Biệt dược: Telfast HD, Allegra Allergy, Fegra 120mg, Telfor 60…
Cetirizin
Cetirizin là một trong những thuốc kháng histamin mạnh có thể điều trị cho những trường hợp mãn tính. Thông qua sự ức chế giai đoạn sớm của phản ứng dị ứng để ngăn ngừa các triệu chứng do tác dụng sinh học của histamin gây ra. Ưu điểm của Cetirizin là không bị tác động, biến đổi bởi các thực phẩm dinh dưỡng như nhiều loại thuốc khác.
- Chỉ định: Người bệnh bị viêm mũi dị ứng theo mùa và viêm mũi dị ứng mãn tính
- Cách dùng: Người lớn và trẻ em trên 6 tuổi mỗi ngày sử dụng 2 lần, 5mg/lần. Nếu dùng thuốc nén 10mg/viên thì mỗi ngày chỉ uống 1 lần.
- Tác dụng phụ: Mệt mỏi, khô miệng, buồn nôn, chóng mặt, buồn ngủ…là những tác dụng phụ dễ gặp. Số ít trường hợp có các phản ứng thiếu máu, giảm tiểu cầu, hạ huyết áp, choáng phản vệ…
- Chống chỉ định: Trẻ em dưới 12 tuổi, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú, bệnh nhân suy thận và những người bị mẫn cảm với thuốc.
- Biệt dược: Zyrtec, Cetirizine stada 10mg, Stadeltine, Rinitrin, Parlazin…
Levocetirizine
Levocetirizine cũng là thuốc kháng histamin thế hệ mới, đối kháng H1 có chọn lọc. Nó là một dạng đồng phân của cetirizin hydroclorid nên cũng có khả năng kháng histamin thông qua trung gian ức chế thụ thể H1. Levocetirizine có thể được bào chế dưới dạng viên nén hoặc siro.
- Chỉ định: Trường hợp bị viêm mũi dị ứng theo mùa có xuất hiện cả các triệu chứng ở mắt, viêm mũi dị ứng không theo mùa, viêm mũi dị ứng dai dẳng.
- Cách dùng: Người lớn và trẻ em từ 6-12 tuổi uống 5mg/lần/ngày. Người bị suy thận có ClCr 30 – 49mL/phút thì 2 ngày mới được uống 1 viên 5mg. Nếu chỉ số ClCr dưới 30mL/phút thì 3 ngày mới được uống 1 viên 5mg.
- Tác dụng phụ: Người bệnh có thể bị viêm họng, khô miệng, người mệt mỏi, mất ngủ, đau bụng, táo bón…
- Chống chỉ định: Người bị dị ứng với các thành phần của thuốc, trẻ em dưới 6 tuổi, người bị suy thận nặng có ClCr dưới 10mL/phút, phụ nữ có thai và cho con bú.
- Biệt dược: Khavetri, Levin-250, Levocetirizin 5mg, Levocetirizine DIHCI- Teva 5mg…
Desloratadin
Desloratadin thực tế là một chất chuyển hóa của Loratadin nhưng có ái lực với thụ thể H1 cao hơn Loratadin từ 3-4 lần. Đồng thời tỷ lệ vượt qua hàng rào máu não của nó rất nhỏ nên không tác dụng an thần. Về cơ bản tác dụng của Desloratadin và Loratadin tương tự như nhau, giúp ức chế sự giải phóng của histamin cũng như điều trị các triệu chứng như ngứa, nổi mẩn, tắc nghẹt mũi, chảy dịch mũi.
- Chỉ định: Điều trị các triệu chứng của viêm mũi dị ứng mãn tính, viêm mũi dị ứng theo mùa và quanh năm.
- Cách dùng: Thuốc chỉ dùng 1 lần/ngày, liều lượng cụ thể như sau: người lớn và trẻ em trên 12 tuổi dùng 5mg/lần. Trẻ em từ 6-12 tháng tuổi dùng 1mg/lần. Trẻ từ 1-6 tuổi dùng 1,25mg/lần. Trẻ từ 6-11 tuổi dùng 2,5mg/lần.
- Tác dụng phụ: Người bệnh dễ bị khô miệng và có nguy cơ bị sâu răng cao nên cần phải vệ sinh sạch sẽ. Các phản ứng nổi mẩn, sốc phản vệ hiếm gặp.
- Chống chỉ định: Người bệnh bị mẫn cảm với các thành phần của thuốc.
- Biệt dược: Aerius 5mg, Aerius 0.5mg/ml, Rinofil 2.5mg/5ml
Thuốc trị viêm mũi dị ứng Nhật Bản – Viên uống
Viên uống Chikunain Kobayashi là một trong những loại thuốc trị viêm mũi dị ứng, viêm xoang hiệu quả đến từ Nhật Bản. Loại thuốc này được chiết xuất từ các loại thảo dược quý hiếm nhất của Nhật như Fist kiyoshihaiyu trích xuất bột, Kamui, Chimo, Byakugou, Sanshishi, Bakumondou, Astilbe, Biwayou. Thuốc có tác dụng tốt với các trường hợp viêm mũi dị ứng theo mùa, giúp giảm nhẹt mũi, sát khuẩn và giải độc cơ thể.
- Cách dùng: Mỗi ngày người bệnh nên uống 2 lần vào buổi sáng và buổi tối với nước ấm, sau khi ăn khoảng 2-3 giờ. Với trẻ từ 5-7 tuổi thì sử dụng 2 viên/lần, từ 7-15 tuổi thì 3 viên/lần, trên 15 tuổi thì 4 viên/lần.
- Chống chỉ định: Phụ nữ có thai, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và người đang điều trị bệnh lý khác cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng.
Nói chung, tùy theo mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng mà bạn có thể ra nhà thuốc gặp dược sĩ hoăc đi khám bệnh để có được các loại thuốc trị viêm mũi dị ứng hiệu quả. Mỗi người sẽ bị dị ứng với những tác nhân khác nhau nên bạn sẽ mất một khoảng thời gian để xác định nguyên nhân và tìm ra cách điều trị phù hợp nhất. Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn biết được viêm mũi dị ứng uống thuốc gì.
“Lưu ý: Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.”