Những dấu hiệu cảnh báo đột quỵ mà ai cũng cần biết

Đột quỵ là một trong ba căn bệnh phổ biến và có tỷ lệ tử vong cao trên thế giới. Việc phát hiện và điều trị bệnh này gặp nhiều khó khăn vì nó xảy ra đột ngột. Chính vì vậy, việc nhận biết những dấu hiệu cảnh báo đột quỵ để kịp thời phát hiện và cấp cứu rất quan trọng. Cùng tìm hiểu các dấu hiệu này qua bài viết dưới đây.

1. Đột quỵ là gì?

Đột quỵ còn được biết đến với tên gọi tai biến mạch máu não. Đây là một bệnh lý thần kinh nguy hiểm và phổ biến. Theo một ghi nhận, đột quỵ là bệnh phổ biến thứ ba trên thế giới sau tim mạch và ung thư. Nó thường xảy ra một cách đột ngột khi nguồn máu cung cấp cho não bị tắc nghẽn, gián đoạn hoặc suy giảm. Não sẽ bị thiếu oxy, dinh dưỡng. Các tế bào não bắt đầu chết trong vòng vài phút. Người bị đột quỵ có nguy cơ tử vong cao nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời.

dấu hiệu cảnh báo bệnh đột quỵ

Đột quỵ được chia làm hai loại chính:

  1. Đột quỵ do xuất huyết não;
  2. Đột quỵ do thiếu máu cục bộ: gồm đột quỵ do huyết khối và đột quỵ do thuyên tắc.

Một số người bệnh có thể gặp phải thiếu máu não thoáng qua. Đây là tình trạng đột quỵ nhỏ, dòng máu cung cấp cho não bộ bị giảm tạm thời. Đây cũng là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ đột quỵ có thể xảy ra bất cứ lúc nào mà người bệnh cần lưu ý.

2. Nguyên nhân dẫn đến đột quỵ?

Nguyên nhân dẫn đến bệnh đột quỵ đến từ hai nguyên nhân trực tiếp: do xuất huyết não và do thiếu máu cục bộ. Đây cũng là tiêu chí phân loại bệnh đột quỵ.

Theo đó, các yếu tố nguy cơ dẫn đến tình trạng bệnh thường đến từ các yếu tố sau:

2.1 Yếu tố không thay đổi 

Các yếu tố không đổi bao gồm: tuổi tác, giới tính và tiền sử gia đình.

  •  Tuổi tác: Ai cũng có nguy cơ bị đột quỵ. Tuy nhiên, người già sẽ có nguy cơ đột quỵ cao hơn. Kể từ sau tuổi 55, cứ mỗi 10 năm, nguy cơ bị đột quỵ lại tăng lên gấp đôi.
  • Giới tính: Nam giới có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn nữ giới.
  • Tiền sử gia đình: Người có người thân trong gia đình từng bị đột quỵ có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn người bình thường.

Ngoài ra, yếu tố chủng tộc cũng là một trong những yêu tố nguy cơ cao gây bệnh. Theo một nghiên cứu, những người Mỹ gốc Phi thường có nguy cơ mắc đột quỵ gần gấp đôi so với người da trắng.

nguyen-nhan-dot-quy

2.2 Yếu tố bệnh lý 

Nếu bị mắc các loại bệnh lý này, nguy cơ đột quỵ của bạn sẽ cao hơn những người bình thường khác. Cụ thể:

  • Tiền sử đột quỵ: Người có tiền sử bị đột quỵ có nguy cơ cao bị đột quỵ lần tiếp theo;
  • Đái tháo đường, bệnh tim mạch: Người mắc các bệnh lý này có khả năng bị đột quỵ cao hơn người bình thường;
  • Cao huyết áp: Cao huyết áp gây gia tăng sức ép lên thành động mạch, lâu dần khiến thành động mạch bị tổn thương dẫn đến xuất huyết não;
  • Mỡ máu, thừa cân, béo phì: Cholesterol cao có thể tích tụ trên thành động mạch, tạo thành vật cản gây tắc nghẽn mạch máu não. Người bị thừa cân béo phì có thể dẫn đến nhiều bệnh như cao huyết áp, mỡ máu, tim mạch làm tăng nguy cơ bị đột quỵ;
  • Sử dụng thuốc lá, các chất kích thích;
  • Lối sống không lành mạnh: Ăn uống không điều độ, không cần bằng đầy đủ các loại dưỡng chất; lười vận động,…

3. Các dấu hiệu cảnh báo bệnh đột quỵ cần biết

Vậy dấu hiệu nào cho biết bạn đang bị đột quỵ?

Thông thường, người bị đột quỵ có các dấu hiệu sau đây:

  • Cơ thể mệt mỏi, tê cứng mặt hoặc một nửa mặt, nụ cười bị méo mó;
  • Cử động khó hoặc không thể cử động chân tay, tê liệt một bên cơ thể. Đặc biệt là không thể nâng hai cánh tay lên cùng một lúc;
  • Hoa mắt, chóng mặt, mất thăng bằng đột ngột;
  • Giảm thị lực, mắt bị mờ và nhìn không rõ;
  • Đau đầu đến đột ngột và dữ dội;
  • Khó khăn trong nói chuyện, phát âm;…

Tùy thuộc vào thể trạng mà từng người sẽ gặp những dấu hiệu bệnh khác nhau. Mặt khác, những dấu hiệu này đến và đi rất nhanh. Vì vậy, cần thường xuyên chú ý tình trạng sức khỏe của bản thân để kịp thời phát hiện ra bệnh.