Hướng dẫn tự điều trị sốt xuất huyết tại nhà đúng cách

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính với nhiều biểu hiện bệnh phức tạp. Việc điều trị bệnh sốt xuất huyết cũng cần hết sức chú trọng để tránh những biến chứng nguy hiểm. Với người bệnh thể nhẹ, viếc tự điều trị sốt xuất huyết tại nhà cũng cần tuân thủ đúng hướng dẫn của cán bộ y tế. Cùng quầy thuốc Minh Long tìm hiểu các phương pháp điều trị sốt xuất huyết tại nhà đúng cách qua bài viết dưới đây

Các biểu hiện sốt xuất huyết 

Sốt xuất huyết với biểu hiện bằng những cơn sốt cao, kèm theo những triệu chứng như nóng, lạnh, nổi gai ốc. Nghiêm trọng hơn nếu bệnh nhân không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến các biến chứng có thể gây tử vong như: xuất huyết nội tạng, xuất huyết não, tràn dịch màng phổi.

Bệnh sốt xuất huyết ở mức độ nào được điều trị tại nhà 

Không phải khi nào người bệnh bị sốt xuất huyết bác sĩ cũng yêu cầu nằm viện để theo dõi và điều trị. Có những trường hợp bệnh ở mức độ nhẹ và vừa, bệnh nhân có thể được cho thuốc và tự theo dõi, điều trị sốt xuất huyết tại nhà. Đôi khi bác sĩ sẽ cho lịch hẹn tái khám để làm thêm các xét nghiệm cần thiết phục vụ cho công tác thăm khám và điều trị.

Căn cứ trên phân loại mức độ bệnh của Bộ Y tế Việt Nam, bệnh sốt xuất huyết được chia thành 4 mức độ như sau:
  • Độ I: Sốt kéo dài 2 – 7 ngày kèm theo các dấu hiệu như nhức đầu, đau người, chân tay nhức mỏi.
  • Độ II: Như độ I nhưng kèm theo có những nốt xuất huyết dưới da, niêm mạc, cánh tay, bắp chân, lưng, bụng, cổ, mí mắt.
  • Độ III: Có sốt kèm theo dấu hiệu suy tuần hoàn, huyết áp hạ hoặc mạch nhanh, yếu, da lạnh, người bứt rứt vật vã, sốc.
  • Độ IV: Sốc sâu, mạch nhỏ khó bắt, huyết áp không đo được, lạnh chân tay.

Điều trị sốt xuất huyết tại nhà cần lưu ý những gì? 

Dùng thuốc đúng cách

Theo các chuyên gia sức khỏe, khi bị sốt xuất huyết, người bệnh thường được kê toa cho sử dụng các loại thuốc sau:
  • Thuốc giảm đau, hạ sốt
Để giảm các triệu chứng đau người và sốt cao, người bệnh thường được kê các thuốc hạ sốt như paracetamol,..Điều cần lưu tâm là khi sử dụng loại thuốc này, bạn phải tuân thủ đúng liều dùng (cho người lớn hay trẻ em) và thời gian sử dụng thuốc. Khoảng cách dùng thuốc khuyến cáo giữa hai liều liền kề là từ 4 – 6 giờ. Việc tự ý rút ngắn khoảng cách thời gian dùng thuốc hay tăng liều với suy nghĩ để mau khỏi bệnh sẽ càng nguy hiểm hơn. Paracetamol tương đối không độc khi được sử dụng đúng liều lượng nhưng nếu uống quá liều sẽ gây hại cho gan.
Lưu ý: Khi điều trị sốt xuất huyết tại nhà bằng thuốc giảm đau hạ sốt, người bệnh tuyệt đối không được dùng aspirin. Loại thuốc này được sử dụng nhiều trong việc chống kết tập tiểu cầu, chống đông máu. Do đó, người bệnh sốt xuất huyết không nên dùng vì sẽ làm cho tình trạng xuất huyết diễn ra trầm trọng hơn. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, như xuất huyết dạ dày, nội tạng, việc không cầm máu được sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng.
Nếu trẻ em dùng aspirin sẽ dẫn đến hội chứng Reye liên quan đến não và gan. Biểu hiện là não sẽ bị phù, thoái hóa tế bào thần kinh, suy gan… và có thể gây tử vong cho trẻ. Cùng “họ hàng” với aspirin là ibuprofen và diclofenac cũng rất thường được dùng trong trường hợp bệnh nhân dị ứng paracetamol. Tuy nhiên, chúng cũng có tác dụng phụ là gây ức chế kết tập tiểu cầu, hoàn toàn không có lợi với bệnh sốt xuất huyết.
  • Dùng thuốc kháng sinh

Theo các chuyên gia, bệnh sốt xuất huyết là do virus gây ra nên việc dùng kháng sinh để điều trị là hoàn toàn vô nghĩa. Nguyên nhân là kháng sinh chỉ có tác dụng kìm hãm hoặc diệt vi khuẩn mà không có tác dụng với virus.

Bù nước và điện giải

Khi bị sốt, đặc biệt lại là sốt cao và kéo dài, người bệnh cần phải được bù nước kịp thời. Bạn có thể sử dụng oresol hoặc nước trái cây, nước cháo loãng với muối. Việc pha oresol cần tuân thủ đúng tỷ lệ pha ghi trên bao bì, pha ít hơn hoặc nhiều hơn quy định đều không tốt cho người bệnh.

Chế độ dinh dưỡng

Ở giai đoạn bệnh đang tiến triển, người bệnh cần ăn đầy đủ các chất, đảm bảo cân đối 4 nhóm dưỡng chất là chất tinh bột đường, đạm và béo, không nên kiêng khem quá mức để tránh tình trạng bị suy dinh dưỡng.

Lưu ý: Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.