Ung thư dạ dày: dấu hiệu nhận biết sớm và cách phòng bệnh

Ung thư dạ dày là một trong những bệnh ác tính phổ biến, dễ di căn và có tỷ lệ tử vong cao. Bởi vậy mà việc nhận biết căn bệnh này là điều rất cần thiết để có thể chữa trị kịp thời trước khi quá muộn. Do đó Quầy thuốc Minh Long chúng tôi sẽ mang đến cho bạn dấu hiệu nhận biết sớm và cách phòng bệnh ung thư dạ dày này.

1. Bệnh ung thư dạ dày là gì?

Ung thư dạ dày là tình trạng các tế bào trong dạ dày phát triển bất thường, mất kiểm soát dẫn đến hình thành các khối u. Khi tiến triển nặng, khối u ác tính có thể lan rộng ra xung quanh và di căn đến nhiều cơ quan xa khác, gây nhiều tác động xấu đến sức khỏe, thậm chí là tử vong.

 

Ung thư dạ dày: dấu hiệu nhận biết sớm và cách phòng bệnh

Các giai đoạn ung thư dạ dày:

  • Giai đoạn 0: Ung thư biểu mô, tế bào ung thư nằm ở lớp niêm mạc dạ dày.
  • Giai đoạn 1: Tế bào ung thư xâm lấn vào lớp thứ 2 của dạ dày, chưa lây qua các cơ quan khác.
  • Giai đoạn 2: Ung thư dưới cơ, tế bào ung thư đã xâm lấn qua lớp niêm mạc dạ dày.
  • Giai đoạn 3: Tế bào ung thư lan ra hạch bạch huyết và các cơ quan ở xa.
  • Giai đoạn 4: Ung thư di căn khắp cơ thể, cơ hội sống thấp.

2. Dấu hiệu cảnh báo ung thư dạ dày sớm nhất cần lưu ý

Giai đoạn đầu của bệnh ung thư dạ dày có thể không xuất hiện triệu chứng hoặc có một số biểu hiện nhưng thường không rõ ràng. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều được phát hiện khi tế bào ung thư đã di căn ra các cơ quan khác, khi khám sức khỏe tổng quát hoặc kiểm tra bệnh lý định kỳ.

7 dấu hiệu cảnh báo ung thư dạ dày cần lưu ý gồm:

  1. Các cơn đau bụng xuất hiện từng đợt, ngày càng trầm trọng và không thuyên giảm dù đã dùng thuốc.
  2. Sưng bụng, đầy bụng bất thường sau khi ăn kèm cảm giác khó chịu, buồn nôn.
  3. Ợ nóng.
  4. Sụt cân nhanh chóng.
  5. Đi ngoài phân đen hoặc lẫn máu trong phân
  6. Chán ăn, khó nuốt, cảm giác thức ăn thức ăn bị mắc kẹt trong cổ họng.
  7. Nôn ra máu.

Nếu xuất hiện một trong các triệu chứng trên, người bệnh cần chủ động thăm khám, kiểm tra sức khỏe ngay để chẩn đoán bệnh kịp thời và điều trị hiệu quả hơn. Tránh trường hợp chủ quan bỏ qua các biểu hiện bất thường của cơ thể, khiến bệnh tiến triển nặng và chữa trị khó khăn.

3. Các nguyên nhân ung thư dạ dày

 3.1. Nguyên nhân bệnh ung thư dạ dày

  • Các tổn thương tiền ung thư: Teo niêm mạc dạ dày; tế bào ở niêm mạc dạ dày biến đổi hình thái giống như tế bào ở ruột và đại tràng (chuyển sản ruột); tế bào niêm mạc dạ dày biến đổi cấu trúc, thoát khỏi sự kiểm soát của cơ thể (nghịch sản).
  • Vi khuẩn HP (Helicobacter pylori): Gây viêm loét dạ dày và phá hủy niêm mạc dạ dày, gây nên các tổn thương tiền ung thư.
  • Béo phì: Người béo phì dễ mắc ung thư dạ dày hơn người bình thường, nhất là ung thư phần tâm vị.
  • Di truyền: Tỷ lệ di truyền gen viêm teo dạ dày từ mẹ sang con là 48%. Ngoài ra, sự đột biến di truyền của E – cadherin gen (CDH1) hay mắc phải các hội chứng di truyền như đa polyp tuyến, bệnh ung thư đại trực tràng di truyền không đa polyp cũng liên quan đến ung thư dạ dày.
  • Nhóm máu: Người có nhóm máu A hay bị ung thư dạ dày hơn so với các nhóm máu O, B, AB.
  • Phẫu thuật dạ dày: Những người có tiền sử phẫu thuật dạ dày có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao, nhất là khoảng 15 – 20 năm sau phẫu thuật.
  • Tuổi tác: Càng lớn tuổi nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày càng cao, nhất là sau tuổi 50.
  • Giới tính: Nam giới có tỷ lệ mắc ung thư dạ dày cao gấp 2 lần nữ giới.

3.2. Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư dạ dày

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày, gồm:

  • Chế độ ăn uống nhiều muối như các loại thịt cá ướp muối, thịt hun khói, rau dưa muối, thịt nướng…
  • Ăn thức ăn nấm mốc, thực phẩm bảo quản kém chất lượng.
  • Mắc bệnh thiếu máu ác tính.
  • Hút thuốc lá, uống nhiều bia rượu.
  • Có polyp dạ dày (khối u nhỏ, lành tính).
  • Bị viêm dạ dày lâu năm.

4. Chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư dạ dày

Ung thư dạ dày: dấu hiệu nhận biết sớm và cách phòng bệnh

4.1. Chẩn đoán

– Khám lâm sàng: Dựa vào các triệu chứng mà người bệnh đang mắc phải.

– Khám cận lâm sàng:

  • Nội soi dạ dày bằng ống soi mềm.
  • Siêu âm ổ bụng.
  • Siêu âm nội soi dạ dày.
  • Sinh thiết dạ dày.
  • Chụp cắt lớp vi tính.
  • Xét nghiệm máu toàn bộ (CBC) hoặc xét nghiệm phân.
  • Các chất chỉ điểm khối u: CEA, CA 72-4 và CA 19-9.
  • Xét nghiệm máu.

4.2. Điều trị

Ung thư dạ dày có thể được điều trị bằng các phương pháp:

  • Phẫu thuật: Bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ 1 phần hay toàn bộ dạ dày. Đây là phương pháp điều trị chủ yếu đối với ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm.
  • Hóa trị: Điều trị bằng các loại thuốc chống ung thư đặc biệt để tiêu diệt và ngăn cản sự phát triển của tế bào ung thư.
  • Xạ trị: Dùng các tia phóng xạ để tiêu diệt các tế bào ung thư.
  • Điều trị đích: Cũng là phương pháp trị ung thư bằng thuốc nhưng thuốc ở đây là một liệu pháp có mục tiêu cụ thể, tấn công vào các gen hay protein chuyên biệt được tìm thấy ở tế bào ung thư hoặc những tế bào có liên quan đến sự phát triển của khối u.
  • Điều trị miễn dịch: Sử dụng các loại thuốc tác động vào hệ miễn dịch của người bệnh, giúp tiêu diệt tế bào ung thư.

5. Phòng bệnh ung thư dạ dày hiệu quả

  • Duy trì cân nặng lý tưởng, giảm cân nếu béo phì.
  • Tập luyện thể thao thường xuyên.
  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, an toàn vệ sinh thực phẩm, chế độ ăn giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất.
  • Hạn chế ăn các thực phẩm đóng hộp, thức ăn chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ, nhiều muối.
  • Bỏ thuốc lá, hạn chế bia rượu và không sử dụng các chất kích thích.
  • Nếu mắc phải các bệnh về dạ dày, cần thăm khám sớm và điều trị triệt để.
  • Khám và chữa trị tốt các khối polyp, khối u lành tính trong dạ dày.

Nhận biết dấu hiệu và cách phòng bệnh ung thư dạ dày từ sớm sẽ giúp chúng ta tìm ra được cách điều trị bệnh tối ưu nhất để ngăn ngừa khả năng diễn tiến đe dọa sự sống của bệnh.

“Lưu ý: Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.”