Triệu chứng và cách điều trị hen phế quản ở trẻ em

Trong những năm gần đây, số lượng trẻ em mắc bệnh hen phế quản ngày càng có xu hướng gia tăng. Tại Việt Nam, tỉ lệ người bị hen phế quản chiếm tới 5% dân số. Trong đó, tỉ lệ trẻ em mắc bệnh là cao nhất và chủ yếu nằm ở nhóm tuổi 12 – 13 tuổi. Nhận biết được triệu chứng và cách điều trị hen phế quản ở trẻ em giúp quá tình điều trị hiệu quả hơn. Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé

1. Nguyên nhân gây bệnh hen phế quản ở trẻ 

Hen phế quản là một trong những bệnh về đường hô hấp phổ biến nhất hiện nay. Ở trẻ em, tình trạng hen phế quản xảy ra ngày càng nhiều. Những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh hen phế quản ở trẻ nhỏ phải kể đến là:

1.1 Yếu tố di truyền

Hen phế quản (hen suyễn) không phải là bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên chúng lại có yếu tố di truyền. Nếu bố mẹ của đứa trẻ bị mắc bệnh hen phế quản thì khả năng chúng sinh ra bị hen rất cao. Nguy cơ mắc hen phế quản sẽ tăng lên 25% nếu một trong bố và mẹ bị hen phế quản và tăng lên 50% nếu cả bố và mẹ bị hen phế quản.

1.2 Yếu tố môi trường, thời tiết

Môi trường sống ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của con người. Nếu trẻ nhỏ sống tại một môi trường chứa đầy khói, bụi, hoặc lông,… khả năng bị hen phế quản của trẻ cũng tăng lên. Ngoài ra còn có một số yếu tố khác như: vi sinh vật, nấm mốc, thức ăn,… Đây đều là những nguyên nhân có thể gây hen phế quản cho trẻ nhỏ. Mặt khác, trẻ em là đối tượng còn chưa nhận thức được việc tự bảo vệ bản thân khỏi các tác nhân gây bệnh. Chính vì vậy, khả năng tiếp xúc với các nguồn gây bệnh cũng lớn hơn.

hen phế quản

1.3 Cơ địa dị ứng

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những đứa trẻ thường xuyên bị chàm, nổi mề đay, viêm mũi dị ứng hay mắc các bệnh dị ứng khác… có nguy cơ bị hen phế quản.

2. Triệu chứng hen phế quản ở trẻ 

Ở trẻ em, các triệu chứng thường gặp khi bị hen phế quản cũng giống như ở người lớn. Điển hình là các triệu chứng:

  • Ho: Trẻ có thể gặp tình trạng ho khi đang cười, khóc hoặc hít phải mùi thuốc lá, không khí ô nhiễm,… Tình trạng này thường nặng hơn về đêm và đi kèm với khò khè, khó thở;
  • Khò khè: Trẻ bị khò khè khi ngủ hoặc khi thực hiện việc gì đó gắng sức, cười, khóc, tiếp xúc với khói thuốc lá, không khí ô nhiễm,…
  • Khó thở: Khi gắng sức hay cười, khóc, trẻ em sẽ cảm thấy bị khó thở;
  • Hoạt động ít hơn: Khi bị hen phế quản, trẻ cảm thấy nhanh mệt hơn. Chúng không muốn chơi, chạy, nhảy giống như trẻ nhỏ khác,…

Các triệu chứng này của trẻ có thể giảm tần suất khi chúng lớn lên hoặc theo điều trị, chỉ dẫn của bác sĩ.

3. Cách phòng tránh hen phế quản ở trẻ em 

Phòng tránh bệnh cho con luôn là điều mà bố mẹ quan tâm. Vậy làm thế nào để phòng tránh được bệnh hen phế quản cho trẻ nhỏ?

hen phế quản ở trẻ nhỏ

Khi con cái bị hen phế quản, bố mẹ nên thực hiện một số việc sau đây:

  1. Giúp trẻ tránh xa những yếu tố có thể khiến trẻ lên cơn bị hen: lông thú, thuốc lá, các chất nặng mùi, thuốc xịt muỗi, con trùng,…
  2. Cho trẻ ngủ nơi thoáng mát, sạch sẽ. Hạn chế những đồ vật như thảm, gấu bông trong phòng ngủ vì dễ hút bụi. Chăn, gối cần được giặt thường xuyên;
  3. Thường xuyên theo dõi sức khỏe trẻ để kịp thời phát hiện cơn hen của trẻ. Sử dụng thuốc theo hướng dẫn và chỉ dẫn của bác sĩ;
  4. Nếu trẻ vẫn còn khó thở, nói năng khó nhọc, trẻ phải ngồi thở, co kéo vùng xung quanh xương sườn và cổ khi thở, cánh mũi phập phồng, tím tái môi hay đầu ngón tay – đây là dấu hiệu rất nguy kịch thì cần phải đưa trẻ đến bệnh viện cấp cứu ngay.

Nếu thực hiện tốt những cách phòng tránh hen phế quản, tình trạng bệnh của trẻ nhỏ sẽ được kiểm soát. Trẻ vẫn có thể vui chơi, sinh hoạt, ăn uống bình thường giống như các bạn đồng trang lứa.

Quầy thuốc Minh Long hi vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những kiến thức bổ ích. Phát hiện và phòng tránh hen phế quản ở trẻ em là điều ai cũng nên làm. Bảo vệ sức khỏe của trẻ là bảo vệ sức khỏe, tương lai của đất nước sau này.