Tay chân miệng là bệnh có khả năng lây nhiễm nhanh, dễ bùng phát thành dịch ở trẻ nhỏ từ 1 đến 5 tuổi. Nếu không được phát hiện sớm và chữa trị đúng cách bệnh có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm. Để tránh rơi vào tình huống này, chúng ta nên chú ý đến các dấu hiệu dễ nhận biết để có những cách xử lý kip thời nhất. Hãy cùng Quầy thuốc Minh Long tìm hiểu trong bài viết dưới đây!
1. Tổng quan về bệnh tay chân miệng
Nguyên nhân gây bệnh
Tay chân miệnglà bệnh do nhiều loại virus khác nhau thuộc họ enterovirus gây ra, chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em với các dấu hiệu đặc trưng là đau họng, sốt, nổi ban, có bọng nước. Virus gây bệnh phổ biến nhất là Coxsackie A-16 và EV71.
Bệnh tay chân miệng có khả năng lây lan nhanh từ người sang người thông qua: dịch tiết mũi họng, dịch mụn nước, nước bọt, phân, giọt bắn từ đường hô hấp của người bệnh vào không khí khi ho hoặc hắt hơi.
Những biến chứng nguy hiểm
Bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như:
– Viêm màng não: đây là tình trạng nhiễm trùng ít gặp có nguyên nhân chính là do dịch não tủy bao quanh não và tủy sống hoặc viêm màng não.
– Viêm não: xảy ra khi virus tấn công, hiếm gặp nhưng dễ đe dọa đến tính mạng.
– Viêm cơ tim: hiếm khi xảy ra.
2. Dấu hiệu bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ
2.1. Dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ
Một số trường hợp trẻ khi bị bệnh có triệu chứng nhẹ hoặc không có dấu hiệu rõ ràng. Thông thường các trường hợp trẻ mắc bệnh đều có những dấu hiệu sau:
Da nổi ban
Khi phát bệnh 1 – 2 ngày, trên da trẻ thường nổi các nốt hồng ban có đường kính khoảng vài mm sau đó chúng chuyển thành dạng bọng nước. Các nốt này thường xuất hiện ở lòng bàn chân hoặc bàn tay, ngón tay, mông. Kích thước các nốt ban rơi vào khoảng 2 – 5mm. Khi nổi ban, trẻ thường không cảm thấy đau đớn hay ngứa nhưng các nốt ban này có thể tồn tại đến 10 ngày.
Bị loét miệng
Hiện tượng loét miệng là dấu hiệu thường gặp khi các bé bị bệnh tay chân miệng. Đường kính của vết loét khoảng 2 – 3mm. Chúng chủ yếu loét ở vòm miệng, trên lưỡi và thành sau họng nên khiến trẻ gặp nhiều khó khăn khi nuốt, dẫn đến chán ăn.
Sốt
Tùy từng trẻ mà có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao, thường thì sẽ có hiện tượng sốt cao khó hạ khi bệnh đã trở nặng. Nếu gặp các trường hợp như: sốt cao kéo dài và khó hạ, giật mình, ngủ gà, ngủ lơ mơ, ngủ nhiều, mệt mỏi không chơi, thở nhanh hoặc khác thường, toàn thân lạnh hoặc vã mồ hôi, chân tay run, đi lại loạng choạng, ngồi không vững thì nên đưa trẻ đến bệnh viện để thăm khám và đêìu trị.
2.2. Chăm sóc trẻ bị tay chân miệng tại nhà đúng cách
Đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị tay chân miệng. Do vậy các bé khi bị bệnh, phụ huynh phải chú ý đến việc điều trị tại nhà và chăm sóc đúng cách.
– Cho trẻ ăn đồ ăn mềm, lỏng, uống nhiều sữa hoặc nước. Không nên cho trẻ ăn các loại đồ ăn cay, mặn bởi chúng có thể khiến vết loét thêm trầm trọng.
– Vệ sinh, tắm rửa cơ thể cho trẻ nhẹ nhàng bằng nước sạch hàng ngày để tránh nhiễm khuẩn lan rộng, súc miệng nước muối pha loãng.
– Người chăm sóc trẻ và trẻ cần rửa tay đúng cách, thường xuyên.
3. Những vấn đề cha mẹ cần lưu ý khi trẻ bị bệnh tay chân miệng
Trong quá trình chăm sóc trẻ bị tay chân miệng, cha mẹ:
– Nên:
+ Bôi giảm viêm ở miệng hoặc thuốc giảm đau không kê đơn, uống Paracetamol khi sốt trên 38.5 độ C.
+ Dùng kem chống ngứa để giúp trẻ giảm bớt khó chịu khi phát ban.
+ Bôi dung dịch sát khuẩn đối với các tổn thương ngoài da do phát ban, bỏng nước (tham khảo bác sĩ).
+ Cách ly trẻ với các trẻ khác trong nhà để tránh lây nhiễm.
+ Cố gắng hạn chế trẻ gãi vì mụn nước bị vỡ có thể gây nhiễm trùng gây ra nhiều nguy hiểm cho trẻ.
– Không nên
+ Dùng Aspirin để giảm đau vì nó có thể gây ra tác dụng phụ xấu.
+ Tự ý dùng thuốc hạ sốt cho trẻ.
+ Dùng các loại thuốc chứa aspirin vì dễ gây suy gan thận hoặc hội chứng Reye vô cùng nguy hiểm.
Lưu ý: Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.