Thủy đậu là loại bệnh nhiễm trùng cấp tính, thường gặp ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, trẻ em là đối tượng dễ gặp hơn cả. Chính vì vậy, việc phòng tránh và điều trị thủy đậu cho trẻ luôn được quan tâm. Bài viết dưới sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cụ thể về biểu hiện, nguyên nhân cũng như cách phòng tránh thủy đậu ở trẻ em. Đây sẽ là cơ sở để kịp thời phát hiện trẻ bị bệnh và có phương thức điều trị phù hợp.
1. Triệu chứng thủy đậu ở trẻ em
Triệu chứng thủy đậu ở trẻ nhỏ cũng chia làm 04 giai đoạn giống như bệnh thủy đậu thông thường.
- Giai đoạn ủ bệnh: Ở giai đoạn này trẻ nhỏ không có biểu hiện nào của bệnh bởi thời gian ủ bệnh lên tới 14 đến 16 ngày. Trẻ vẫn sinh hoạt, vui chơi bình thường nên bố mẹ rất khó để phát hiện ra con mình đang bị bệnh.
- Giai đoạn khởi phát: Sau giai đoạn ủ bệnh, trẻ đến giai đoạn khởi phát bệnh. Trẻ nhỏ bắt đầu có các triệu chứng sốt nhẹ, chán ăn, uể oải,… thậm chí nổi hạch sau tai, viêm họng. Có thể thấy những triệu chứng này cũng khá giống với triệu chứng của bệnh cảm cúm thông thường. Điều này khiến cho phụ huynh nhầm lẫn và không chữa trị sớm cho con cái.
- Giai đoạn phát bệnh: Giai đoạn phát bệnh là giai đoạn trẻ xuất hiện đầy đủ các triệu chứng điển hình của bệnh. Cơ thể bé xuất hiện những nốt ban hồng, sau đó biến thành các mụn nước nhỏ li ti. Những mụn nước này khiến trẻ luôn cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu vô cùng. Ban đầu, mụn xuất hiện ở mặt, lưng, ngực của trẻ và lan rộng dần ra khắp cơ thể. Ở giai đoạn này, cần chú ý tránh cho trẻ gãi vào mụn vì nó có thể vỡ ra, làm tăng nguy cơ bội nhiễm.
- Giai đoạn hồi phục: Sau một giai đoạn điều trị (khoảng 7 – 10 ngày), trẻ bắt đầu hồi phục. Những nốt mụn tự khô dần và bong ra.
Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời, trẻ vẫn có thể bị một số biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm não, nhiễm trùng máu,…
2. Nguyên nhân gây bệnh thủy đậu ở trẻ
Nguyên nhân chính gây ra bệnh thủy đậu là một loại vi rút có tên gọi Varicella Zoster (vi – rút thủy đậu). Loại vi – rút này lây lan rất nhanh và có thể sống được vài ngày trong môi trường không khí. Bệnh thường lây truyền qua đường hô hấp, nhất là thông qua giọt bắn từ hắt hơi, ho,…
Ở trẻ em, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên rất dễ bị tấn công bởi vi – rút thủy đậu. Chúng cũng còn quá nhỏ, chưa đủ nhận thức về phòng tránh dịch, bệnh nên rất dễ bị nhiễm bệnh từ môi trường xung quanh. Trẻ chưa được tiêm vắc-xin nhưng vẫn tham gia vào các môi trường tập thể (nhà trẻ, trường học,..). Điều này làm tăng nguy cơ lây nhiễm thủy đậu từ người khác.
3. Phòng tránh bệnh thủy đậu cho trẻ nhỏ
Trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị tổn thương bởi các tác nhân gây bệnh. Vì vậy, việc phòng tránh thủy đậu cho trẻ giúp chúng tránh nguy cơ mắc bệnh, có cơ thể khỏe mạnh. Để phòng tranh bệnh thủy đậu, cha mẹ cần lưu ý thực hiện một số điều sau đây:
- Thực hiện tiêm vắc-xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ khi còn nhỏ để giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh cho trẻ. Điều này còn giúp trẻ tránh được những biến chứng cho trẻ nếu không may bị bệnh.
- Cần hạn chế tối đa việc trẻ tiếp xúc với người đang nhiễm bệnh.
- Thực hiện vệ sinh, chăm sóc trẻ khoa học. Trẻ cần được rèn thói quen rửa tay bằng xà phòng trước, sau bữa ăn, sau khi đi vệ sinh,… Đồ chơi của trẻ cần được rửa sạch thường xuyên để loại bỏ mầm mống của bệnh.
- Bố mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt của trẻ. Cần thường xuyên có hoạt động thể thao cũng như chế độ ăn khoa học giúp trẻ tăng cường hệ miễn dịch, phát triển toàn diện.
- Giáo dục ý thức phòng tránh bệnh thủy đậu từ sớm để trẻ có thể tự mình tránh được những nguồn có nguy cơ lây nhiễm bệnh,…
Bài viết trên là toàn bộ triệu chứng, nguyên nhân và cách phòng tranh thủy đậu ở trẻ em. Hi vọng bài viết đã cung cấp những kiến thức bổ ích, cần thiết cho mọi người.