Viêm họng hạt ở lưỡi có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn. Bệnh gây ra những phiền toái, bất tiện trong sinh hoạt, đồng thời dễ gây tái phát và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của người bệnh. Nếu không điều trị sớm và đúng cách, căn bệnh này có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Do vậy, người bệnh không nên chủ quan mà hãy đi khám sớm nếu có biểu hiện nghi ngờ bệnh.
I. Tìm hiểu chung
1. Viêm họng hạt ở lưỡi là bệnh gì?
Khi các tác nhân tấn công vào niêm mạc vùng lưỡi và hầu họng, tế bào lympho tại đây sẽ tăng cường hoạt động nhằm tiêu diệt chúng. Sự hoạt động quá mức khiến các tế bào lympho sưng lên thành nhiều hạt kích thước to nhỏ khác nhau, kèm theo đỏ, đau, ngứa. Tình trạng này xảy ra trên lưỡi được gọi là viêm họng hạt ở lưỡi hay viêm lưỡi hạt.
Vị trí thường thấy là cuống lưỡi nổi hạt đỏ, đáy lưỡi nổi hạt hoặc V lưỡi.
2. Viêm họng hạt ở lưỡi có nguy hiểm không?
Khi không được điều trị đúng cách và kịp thời, viêm lưỡi hạt có thể kéo dài dai dẳng và gây nhiều biến chứng như:
- Sưng và viêm amidam
- Áp xe cổ họng
- Viêm họng hạt lan rộng, gây viêm xoang, viêm tai giữa, viêm thanh quản, viêm phế quản…
- Biến chứng do viêm họng do liên cầu gây sốt thấp khớp, viêm cầu thận, viêm nội tâm mạc
- Ung thư vòm họng.
II. Triệu chứng
Các dấu hiệu và triệu chứng viêm họng hạt ở lưỡi
- Trên lưỡi bị nổi hạt đỏ hoặc hồng, đôi khi có mủ, kích thước to nhỏ khác nhau. Đáy lưỡi trắng. Bệnh nhân soi gương cũng có thể nhìn thấy hình ảnh nổi hạt ở cuống lưỡi
- Lưỡi và cổ họng đau rát, đau nặng hơn khi nuốt và khi nói chuyện
- Lưỡi và họng khô, ngứa, vướng víu như có dị vật bên trong
- Khó thở
- Khó nuốt
- Ho khan hoặc ho có đờm
- Nổi hạch ở cổ
- Mệt mỏi, khó chịu, đau cơ, nhức đầu, sốt.
III. Nguyên nhân
1. Nguyên nhân gây viêm họng hạt ở lưỡi là gì?
Cũng giống như viêm họng thông thường, viêm họng hạt ở lưỡi có thể gây ra bởi những thủ phạm chính sau đây:
- Vi khuẩn, điển hình nhất là liên cầu khuẩn Streptococcus pyogenes
- Virus, thường gặp là virus cúm hoặc cảm lạnh thông thường
- Nấm, xảy ra khi cơ thể có miễn dịch kém, sử dụng steroid và kháng sinh kéo dài
- Dị ứng như viêm mũi dị ứng, dị ứng khói bụi, lông động vật,…
- Viêm amidan
- Loét miệng
- Trào ngược dạ dày thực quản
2. Các yếu tố nguy cơ khiến viêm họng hạt ở lưỡi dễ bùng phát
Dù tình trạng cuốn lưỡi nổi hạt đỏ có thể gặp ở bất kỳ ai nhưng có một số người sẽ dễ mắc phải hơn, đó là:
- Sống ở môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi
- Ăn nhiều đồ cay nóng, đồ lạnh khiến niêm mạc lưỡi và họng bị kích thích thường xuyên
- Sử dụng bia rượu, thuốc lá
- Người già, trẻ nhỏ, người nhiễm HIV, đang điều trị ung thư có đề kháng kém
- Vệ sinh răng miệng kém
- Đã từng bị viêm họng, đang điều trị kháng sinh thì bỏ dở vì thấy triệu chứng đã cải thiện cũng rất dễ bị tái phát
- Không khí khô và quen thở bằng miệng trong thời gian dài.
3. Viêm họng hạt ở lưỡi có lây không?
Theo các chuyên gia, viêm họng hạt ở lưỡi là bệnh có thể lây từ người bệnh cho người khoẻ mạnh nếu nguyên nhân là do vi trùng gây ra. Hai con đường chính để lây nhiễm viêm họng lưỡi nổi hạt là:
- Lây trực tiếp khi đứng gần người bệnh (nói chuyện, ôm hôn,…). Khi đó, các vi khuẩn, virus gây bệnh sẽ theo nước bọt của người bệnh đi ra ngoài và xâm nhập vào cơ thể người đối diện. Không gian càng chật thì khả năng lây nhiễm bệnh càng cao.
- Lây gián tiếp: Sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người bệnh như cốc chén, bàn chải đánh răng, khăn mặt,… chứa rất nhiều vi khuẩn, virus sẽ làm lây nhiễm virus, vi khuẩn cho người khỏe mạnh.
IV. Chẩn đoán và điều trị
1. Các phương pháp và kỹ thuật chẩn đoán viêm họng hạt ở lưỡi
Để chẩn đoán tình trạng nổi hạt ở lưỡi, bác sĩ sẽ soi đèn và quan sát cuống lưỡi, đáy lưỡi và V lưỡi của bạn.
- Xét nghiệm máu: xem người bệnh có nhiễm vi khuẩn không và đánh giá mức độ nhiễm trùng.
- Phết dịch họng nuôi cấy vi khuẩn: lấy dịch từ những hạt trên lưỡi bằng gạc, phân tích nhằm xác định nguyên nhân nhiễm trùng.
2. Điều trị viêm họng hạt ở lưỡi bằng cách nào?
Tùy theo kết quả chẩn đoán bệnh là do tác nhân nào gây ra mà hướng điều trị cũng sẽ khác nhau.
- Do virus: bệnh sẽ tự khỏi sau 5 – 7 ngày khi cơ thể đã tự sản xuất đủ kháng thể chống lại virus. Trong thời gian này, điều trị nhằm giảm bớt triệu chứng bằng cách dùng thuốc giảm đau: paracetamol, ibuprofen,…, thuốc hạ sốt, thuốc kháng viêm (alpha chymotrypsin, prednisolone,..).
- Do vi khuẩn: dùng kháng sinh theo phác đồ bác sĩ kê đơn.
- Do nấm: dùng thuốc chống nấm.
Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định hai loại thuốc sau để điều trị tình trạng lưỡi nổi hạt đỏ:
- Kháng sinh: giúp tiêu diệt và cản trở các loại vi khuẩn tấn công vùng họng của bệnh nhân. Tuy nhiên, các bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc và liều lượng thuốc kháng sinh phù hợp tùy vào thể trạng và mức độ nghiêm trọng của tình trạng nổi hạt ở lưỡi. Bạn lưu ý rằng ngay cả khi bệnh thuyên giảm cũng không được tự ý dừng thuốc để hạn chế tình trạng kháng thuốc.
- Kháng viêm: Nếu tình trạng viêm nhiễm ở lưỡi có dấu hiệu lan sang những vùng khác, chẳng hạn như viêm amidan, viêm khí quản,… các bác sĩ có thể chỉ định thuốc chống viêm.
Bên cạnh đó, bạn có thể tự áp dụng một số cách chữa viêm họng hạt ở lưỡi tại nhà như sau:
- Dùng viên ngậm hoặc nước súc họng có chứa chất gây tê tại chỗ để giảm đau, giảm khó chịu.
- Để giảm ngứa cổ họng, hãy thử súc miệng bằng nước muối ấm 3-4 lần/ngày hoặc uống nước mật ong chanh nóng.
- Ăn đồ mềm như súp, đồ cắt nhỏ, cháo sẽ đỡ bị đau họng khi nuốt.
- Uống nhiều nước.
- Giữ phòng ở nhiệt độ thoải mái.
- Nghỉ ngơi nhiều hơn, tránh hoạt động nặng cho đến khi hết triệu chứng.
- Bỏ hút thuốc và tránh ở gần những người đang hút thuốc.
- Chườm khăn ấm vào bẹn và nách để giảm sốt nhanh.
- Vệ sinh răng miệng tốt.
V. Phòng ngừa
Phòng ngừa viêm họng hạt ở lưỡi
Viêm họng hạt do liên cầu, virus hoặc nấm gây ra là có thể lây lan. Vì vậy, để phòng ngừa cho bản thân và những người xung quanh, bạn và gia đình nên:
- Rửa tay thường xuyên với xà phòng hoặc chất diệt khuẩn trong ít nhất 20 giây.
- Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; tránh khạc đờm hay nhổ nước bọt bừa bãi.
- Không uống chung ly, ăn chung đĩa hoặc dùng chung đồ dùng với người bị bệnh.
- Tránh tiếp xúc với người đang có bệnh viêm đường hô hấp trên, cúm,…
- Không đi học, đi làm hoặc cho trẻ tới lớp cho tới khi hết sốt và đã uống thuốc kháng sinh trong ít nhất 12 giờ.
- Đeo khẩu trang khi ở nơi đông người.
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, súc miệng bằng nước muối hằng ngày.