Nhận biết dấu hiệu cảnh báo của bệnh nhồi máu cơ tim cấp

Nhồi máu cơ tim là một căn bệnh nguy hiểm và ngày càng phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm, bệnh nhân vẫn có thể được cứu chữa kịp thời. Vậy dấu hiệu cảnh báo của bệnh nhồi máu cơ tim cấp là gì? Hãy cùng Quầy thuốc Minh Long tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây

1. Bệnh nhồi máu cơ tim cấp là gì?

Nhồi máu cơ tim là hiện tượng một cục huyết khối đột ngột làm tắc động mạch vành. Hiện tượng này làm cho máu không chảy đến nuôi được phần cơ tim và làm một phần cơ tim bị chết đi. Tắc những mạch máu lớn có thể làm cho quả tim của bạn ngừng đập hoặc nó có thể gây ra một rối loạn nhịp chết người.

Nguyên nhân thường chủ yếu dẫn đến nhồi máu cơ tim chính à xơ vữa động mạch. Tình trạng này xảy ra là do mảng xơ vữa tích tụ dần theo thời gian và bám vào thành mạch máu, thành phần cấu thành bao gồm cholesterol, canxi, mảnh vỡ tế bào. Khi mảng xơ vữa bị bong tróc, vùng cơ tim phía sau không được đưa máu đến nuôi, làm hoại tử và chết cơ tim. Điều này gây ra nhồi máu cơ tim.

Dấu hiệu nhồi máu cơ tim cấp

2. Các dấu hiệu cảnh báo bệnh

Dấu hiệu của bệnh nhồi máu cơ tim thường gặp gồm:

  1. Đau ngực: Đau ngực là dấu hiệu cảnh báo bệnh rõ nhất. Cơn đau ngực thường ở giữa xương ức và kéo dài trong một vài phút. Triệu chứng này thể xuất hiện rồi hết đi và lại đau lại. Nó có thể xuất hiện ở các vị trí khác như ở sau lưng, trên cổ, trên hàm hoặc vùng dưới dạ dày. Khó thở thường xuất hiện đi kèm với cơn đau ngực.
  2. Ngoài cơn đau ngực, người bệnh có thể gặp các triệu chứng: Khó thở; đổ mồ hôi; buồn nôn, nôn ói; lo lắng; ho; chóng mặt; tim đập nhanh. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể không trải qua các triệu chứng như mô tả ở trên mà chỉ cảm thấy hơi mệt hoặc chỉ cảm thấy khó chịu vùng thượng vị;…

Khi xuất hiện các dấu hiệu điển hình trên, người có triệu chứng này cần đến ngay bệnh viện có trung tâm tim mạch can thiệp gần nhất để kịp thời được khám và điều trị.

dấu hiệu nhồi máu cơ tim

3. Cần làm gì khi phát hiện người đang lên cơn nhồi máu cơ tim?

Khi bắt gặp một người đang có dấu hiệu hoặc lên cơn nhồi máu cơ tim, cần thực hiện theo trình tự được ghi chú sau đây:

  1. Bình tĩnh đặt bệnh nhân ngồi hoặc nằm chỗ thông thoáng. Thắt lưng, quần áo của bệnh nhân cần nới lỏng để lưu thông máu tốt hơn.
  2. Tìm hỗ trợ của người xung quanh, gọi số cấp cứu 115 hoặc số điện thoại khẩn cấp của bệnh viện gần nhất. Nếu không thể chờ xe cấp cứu đến, hãy chủ động thuê taxi hoặc tự mình chở bệnh nhân đến bệnh viện.
  3. Nếu bệnh nhân ngưng tim thì thực hiện sơ cứu ép tim ngoài lồng ngực. Ép tim ngoài lồng ngực cần được tiến hành càng sớm càng tốt vì cứ mỗi 1 phút chậm trễ thì người bệnh mất đi 10% cơ hội được cứu sống.
  4. Người thực hiện quỳ gối gần người bệnh, chồng 2 tay lên và ép lực mạnh vào vùng trước tim rồi nới lỏng tay. Thực hiện động tác lặp lại 60 lần/phút để thúc đẩy co bóp tim.
  5. Nếu người bệnh khó thở, ngất xỉu cần thực hiện cấp cứu hô hấp nhân tạo. Người bệnh kê cao đầu, tư thế hơi ngửa ra sau. Người sơ cứu dùng tay bịt mũi người bệnh, dùng miệng thổi hơi vào miệng bệnh nhân. Lặp lại nhiều lần cho đến khi người bệnh lấy lại nhịp thở bình thường.

4. Một số đối tượng dễ bị mắc nhồi máu cơ tim

Theo thông tin từ Bệnh viện 108, những đối tượng dễ mắc nhồi máu cơ tim bao gồm:

  1. Nam giới trên 45 và nữ giới trên 50 là những người có nguy cơ cao nhồi máu cơ tim.
  2. Những người trước đó đã có nhồi máu cơ tim thì rất dễ bị lại nhồi máu cơ tim lần tới.
  3. Những người có tiền sử gia đình có nhồi máu cơ tim sớm như bố hoặc anh trai có nhồi máu cơ tim dưới 55 tuổi và mẹ hoặc chị gái có nhồi máu cơ tim dưới 65 tuổi.
  4. Những bệnh nhân có đái tháo đường. Những bệnh nhân này có nguy cơ nhồi máu cơ tim tương tự như bệnh nhân đã bị nhồi máu cơ tim.
  5. Những người có các yếu tố nguy cơ cao như những bệnh nhân rối loạn mỡ máu, huyết áp cao, hút thuốc lá, béo phì, ít hoạt động thể lực là những người dễ bị nhồi máu cơ tim.

Nhồi máu cơ tim ngày càng có xu hướng trẻ hóa trong cuộc sống ngày nay. Chính vì vậy, bất cứ ai cũng không được chủ quan trước căn bệnh này. Mỗi người thường xuyên theo dõi sức khỏe của mình để kịp thời phát hiện và chữa trị bệnh. Hi vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn những kiến thức bổ ích để phát hiện, phòng ngừa bệnh và bảo vệ sức khỏe của mình.